Ngày 9-5, tại TPHCM, Báo Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) tổ chức hội thảo “Phí giao thông đường bộ – thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp”. Đại diện các doanh nghiệp (DN) vận tải, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, Nghị định 18/2012/NĐ-CP về thu phí Quỹ bảo trì đường bộ sẽ làm cho DN vận tải càng thêm kh

Doanh nghiệp thêm khó

Theo Hiệp hội VIFFAS, hiện cả nước có hơn 1.000 DN kinh doanh trong ngành logistics (giao nhận hàng hóa vận tải), chịu tác động trực tiếp từ chủ trương thu phí bảo trì đường bộ. Theo đề xuất của Bộ GTVT, các phương tiện vận tải hàng hóa như xe tải, xe đầu kéo, container, sơmi rơmooc… chịu mức phí rất nặng.

Cụ thể, xe tải, rơmooc và ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên có mức đóng cao nhất 1.440.000 đồng/tháng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, phí bảo trì đường bộ triển khai ngay lúc này sẽ làm cho DN vận tải càng thêm khốn khó.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách – tiền tệ quốc gia cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với việc Nhà nước triển khai thu phí giao thông để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Nhưng các cơ quan chức năng đừng tận dụng sự thông cảm của người dân mà lấn tới. Theo tôi, Chính phủ cần phải làm rõ thế nào là phí? Thế nào là thuế? Không nên biến phí thành thuế để thu tiền của người dân. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 18 về thu phí Quỹ bảo trì đường bộ là đẻ ra một khoản thu mà Luật Giao thông đường bộ không quy định”.

Kiến nghị xem lại những quy định trong Nghị định 18

Ý kiến của nhiều DN vận tải cho rằng, Bộ GTVT cần xem lại những quy định trong nghị định cho phù hợp với thực tế. Ông Đỗ Xuân Phú, Công ty Vận tải Minh Liên đặt vấn đề: Đối với nhóm xe đầu kéo sơmi rơmoóc, Nghị định quy định vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là “máy kéo”, vừa đánh trên “sơmi, sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo” là vô lý và không phù hợp với thực tế hoạt động của loại phương tiện này.

Ông Lê Thành Thao, Công ty CP Vận tải và giao nhận Quang Châu lo lắng: Bên cạnh mức thu phí cao, việc quy định thu phí theo kỳ đăng kiểm sẽ là một khó khăn vô cùng lớn cho các DN sắp tới. Sẽ xuất hiện tình trạng sơmi rơmoóc và rơmoóc sẽ “né” đăng kiểm để hạn chế đóng phí, tạo nên sự nguy hiểm tiềm tàng tai nạn giao thông. Do đó, cần nghiên cứu phương thức thu sao cho đảm bảo sự công bằng chẳng hạn như thu qua xăng dầu thay vì thu trên đầu phương tiện.

Đồng quan điểm này, ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội VIFFAS phân tích: “Theo quy định về thu phí quỹ bảo trì đường bộ hiện nay, DN phải trả phí theo kỳ đăng kiểm là không hợp lý, áp đặt. Các DN kinh doanh vận tải khi hoạt động mới có doanh thu để trang trải chi phí, trong đó có chi phí bảo trì đường bộ. Nếu xe không hoạt động hoặc hoạt động ít hơn do không có hợp đồng vận tải thì DN lấy khoản nào để trang trải chi phí này? Nhất là đối với DN mới ra đời. Do đó, theo tôi nên quy định thời điểm trả phí là khi sử dụng mới trả phí”.