• dodat@ctlog.vn
  • 028 6683.8407

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa là một trong những mắt xích quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của dịch vụ Logistics đã và đang trở thành một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội.

(DĐDN)-Dịch vụ vận chuyển hàng hóa là một trong những mắt xích quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của dịch vụ Logistics đã và đang trở thành một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, giúp cho các hoạt động lưu thông, chuyên chở hàng hóa được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, đưa sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tiếp cận đến mọi vùng miền và tận tay người tiêu dùng.

Thế nhưng, trong điều kiện ngành vận tải  đang gặp khó khăn ở mức báo động thì đâu đó còn ẩn chưa nhiều rủi ro, thiếu vắng sự đồng hành của các cơ quan chức năng trong việc quản lí, thậm chí một số bộ phận còn làm khó DN. Đó là những bức xúc của các DN vận tải xoay quanh vấn đề này. Ơ thời điểm nào cũng vậy, cơ hội và thách thức luôn được chia đều cho cả hai. Xét trên tình hình thực tế, vận chuyển hàng hóa nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các DN vận chuyển ngày càng tăng nhanh về số lượng, cải thiện đáng kể về chất lượng và ngày càng tạo được uy tín cho các đối tác có nhu cầu về vận chuyển hàng hóa. Hay câu chuyện về hạ tầng giao thông: nếu như trước đây, cơ sở hạ tầng xuống cấp, dịch chuyển giao thông chậm; không những ảnh hưởng tới tiến độ mà còn gây ảnh hưởng đến sự an toàn tài sản và tính mạng con người thì nay đã được cải thiện rõ nét, đặc biệt là tuyến Bắc – Nam, dự án mở rộng tuyến QL 1A, cơ bản đã được thông suốt. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nói trên thì ngành vận tải vẫn còn những tồn tại và muôn vàn khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Theo đại diện một số DN bến bãi vận tải tại ĐBSCL: sự tăng trưởng về phương tiện một cách ồ ạt, mạo hiểm, thiếu thận trọng trong đầu tư, lượng xe tại thời điểm này có mức độ tăng trưởng đột biến, người người làm vận tải, nhà nhà làm vận tải và ở đâu đó đang còn thiếu vắng tính chuyên nghiệp về dịch vụ vận chuyển khiến cho lượng hàng hóa vốn đã đang khan hiếm nay lại càng khó khăn hơn và xuất hiện những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Nếu so sánh ở thời điểm cùng kỳ, lượng hàng hóa của năm nay chỉ tương đương bằng 70% so với năm trước đặc biệt là thời điểm giáp tết như thế này. Giá cước thấp kỷ lục, các xe chạy lung tung, thiếu tính chủ động trong vận chuyển hàng hóa, một phần do đặc thù là hàng hóa nông sản bị các thương lái Trung Quốc ép giá, chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm một phần do yếu tố nhạy cảm tại khu vực cửa khẩu ( thường xuyên đóng biên) xe phải xếp hàng nằm lại tại cửa khẩu, chi phí tăng do thông qua nhiều đầu mối để hàng hóa được lưu thông khiến DN vận tải và nông dân vô cùng khó khăn… Hơn bao giờ hết, ngay lúc này rất cần sự quan tâm đặc biệt của chính phủ tại khu vực cửa khẩu và phía chính quyền địa phương: nên xây dựng chuẩn mô hình Hợp tác xã để liên kết bao tiêu sản phẩm đối với hàng nông sản, phối hợp, hỗ trợ các DN, nông dân xây dựng thương hiệu hàng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội,…

1

Chất lượng dịch vụ còn hạn chế

Ông Bùi Quang Đạo – Tổng giám đốc cảng Quảng Ninh khẳng định: chất lượng dịch vụ không chỉ các DN vận tải chưa có sự đầu tư tốt về phương tiện vận chuyển mà nguồn nhân lực cũng vậy: hiện nay các phương tiện vận chuyển còn thô sơ, chưa đáp ứng được độ an toàn. Nguồn nhân lực còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ cho nên vẫn chưa tạo được sự an tâm tuyệt đối cho các đối tác.

Giá cước còn nhiều bất cập: nếu như trước đây, giá cước vận tải hàng hóa đường sắt (ĐS) tương đối thấp so với các phương thức vận tải khác, đặc biệt trên những tuyến cự ly dài. Tuyến Sài Gòn – Hà Nội, giá cước vào khoảng 1 triệu đồng/tấn, bằng khoảng 50% so với vận chuyển container bằng đường bộ thì nay, vì điều kiện khan hiếm hàng hóa dẫn tới việc cước vận chuyển bằng đường bộ chỉ bằng ĐS ở thời điểm 2013- 2014.

Tuyến Hải Phòng – Lào Cai, giá cước vận chuyển container bằng ĐS cũng chỉ bằng 60% vận chuyển đường bộ. Giá cước vận tải đường thủy chỉ bằng 25% – 40% vận tải đường bộ. Đặc biệt, cước vận tải bằng đường biển còn thấp hơn nữa, trên tuyến Sài Gòn – Hà Nội, chỉ bằng 15% – 20% so với đường bộ. Các tuyến vận tải đường ven biển từ Sài Gòn, Hải Phòng đi các tỉnh miền Trung cũng chỉ bằng khoảng 40% – 45% chi phí vận tải bằng đường bộ,…

Từ thực trạng trên đã khiến sự cạnh tranh về giá và có thể đó cũng chính là nguyên nhân đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, gây bức xúc cho các DN có nhu cầu chở hàng lớn trong nước.

Kiểm soát tốt trọng tải – giá cước sẽ về đúng giá trị thực

Ông Patrick Avice Tổng giám đốc CICT lại chia sẻ: Chúng tôi đánh giá rất cao về việc kiểm soát trọng tải của các cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là Bộ GTVT. Lúc đầu nhiều DN vận tải phản đối việc kiểm soát trọng tải. Tuy nhiên, về phía CICT hoàn toàn ủng hộ vì đó là một quy định thật tốt, giúp đảm bảo được quá trình lưu thông của các phương tiện khi tham gia giao thông bên cạnh đó còn giữ được chất lượng đường sá. Việc kiểm soát tải trọng xe sẽ góp phần đưa giá cước vận chuyển về đúng với giá trị thực, đồng thời nhằm tạo điều kiện cho thị trường vận tải phát triển lành mạnh và không để các DN gặp khó khăn trong hoạt động vận tải, không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ảnh hưởng đến nền kinh tế, tôi cho rằng Bộ GTVT đã có những quyết định sáng suốt.

Tuy nhiên, đường biển còn tồn tại một số rào cản: Tình trạng xây dựng các cảng biển tràn lan dẫn tới cung vượt quá cầu và tác động trực tiếp đến giá. Giá thấp sẽ nảy sinh các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, điều này thực chất sẽ ảnh hưởng không tốt đối với kinh tế Việt Nam. Và một rào cản nữa là các đối tác Việt Nam không thực hiện cam kết về quỹ dự án ủng hộ cảng biển. Về vấn đề này, tôi cho rằng các đối tác nên ngồi lại với nhau để rà soát những gì đã kí kết trong bản cam kết; với mục tiêu cùng nhau xây dựng, cùng nhau phát triển, Ông Patrick Avice chia sẻ.

Cạnh tranh bất bình đẳng vì cung lớn hơn cầu

Ông Nguyễn Hữu Vinh DN vận tải tại Tp.HCM cho rằng: Cung tăng, cầu giảm chính là lượng dư thừa về phương tiện vận chuyển quá lớn sẽ phá vỡ quy hoạch trong vận tải. Yếu tố cạnh tranh về giá xuất hiện sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp của mô hình cá thể, tự phát mặc dù còn hạn chế về tính chuyên nghiệp nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bằng mặt nhưng không bằng lòng, DN vận tải chuyên nghiệp phải chấp nhận vì chúng ta đang duy trì theo cơ chế nền kinh tế trường. Do đó, các DN đầu tư cơ bản có lượng phương tiện nhiều; cần có sự đầu tư về nhân sự, quản lí để cải thiện chất lượng dịch vụ được tốt hơn, đồng thời nghiên cứu và đề xuất các cơ chế ưu đãi trong quá trình đầu tư, vận chuyển. Bên cạnh những nỗ lực của DN, cần có sự đồng hành của các cơ quan chức năng, hiệp hội vận tải trong việc nghiên cứu, rà soát lại nhu cầu vận tải đối với mỗi phương thức. Đặc biệt, đưa giá sàn áp dụng vận tải hàng hóa vào hoạt động, triển khai xây dựng khung giá cước của từng phương thức vận tải và đưa ra các tiêu chí đảm bảo kết nối giữa các phương thức vận tải, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, phong trào…

Ông Phạm Văn Sơn Chủ tịch HĐTV Công ty vận tải đường Sắt Sài Gòn cho biết, để sớm tạo ra những thay đổi căn bản về năng lực của các phương thức vận tải bao gồm: đường sắt, đường thủy, hàng không, sẵn sàng thay thế, giảm tải đường bộ, mỗi đơn vị phải tăng năng lực, cải cách hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, chống tiêu cực. Và bài toán là làm sao để có được lượng khách ổn định vận chuyển hàng hóa về với DN của mình luôn luôn là những câu hỏi mà tất cả các đơn vị kinh tế nào cũng phải quan tâm.

Ông Bùi Đức Nghị, DN vận tải tại Hà Nội thì chia sẻ: Mỗi phương thức vận tải đều có những lợi thế và những hạn chế nhất định. Vì vậy, các DN có nhu cầu về vận chuyển hàng hóa phải chọn lựa các đối tác của mình là điều đương nhiên. Theo nguyên lí thì không phương thức nào dẫm chân lên nhau. Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn như hiện nay, các phương thức đang có sự lấn sân và điều này cũng thật dễ hiểu bởi khi các nhà đầu tư đã dấn thân vào kinh doanh thì không cho phép mình dừng lại nếu không cánh cửa sẽ khép lại bất cứ lúc nào. Nhưng tôi cho rằng, tình trạng này sẽ không thể kéo dài. Vì nếu tiếp tục sẽ để lại nhiều hệ lụy, ưu thế sẽ nghiêng về phương thức vận tải nào có chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lí,…

Chi phí đè nặng trên vai DN

Ông Phạm Văn Lâm – Giám đốc Công ty Khánh Hưng cho biết: Chưa bao giờ ngành vận chuyển hàng hóa khó khăn như năm 2015. Có thể do ảnh hưởng của nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi này vẫn còn muôn vàn khó khăn, tác động trực tiếp đến ngành vận tải và theo qui luật cung – cầu. Khi cung lớn hơn cầu sẽ kéo theo yếu tố cạnh tranh không lành mạnh về giá. Ở thời điểm này nó đang là một trong những nguyên nhân làm chất lượng dịch vụ không được đảm bảo. Theo quan điểm của cá nhân tôi; lượng hàng hóa không ít so với các năm trước nhưng do phải san sẻ với lượng phương tiện vận chuyển tăng đột biến dẫn đến sự hiểu nhầm về sự khan hiếm hàng hóa. Khó khăn đang dồn lên DN, áp lực từ chi phí cao, cước thấp. Nếu tính bình quân khi xe chở hàng hóa chiều vào đạt 12 triệu và chiều ra ( hàng bãi) đạt 30 triệu thì đây là bài toàn khá đau đầu của một DN vận tải. Chi phí quá lớn: phí xăng dầu mất 21 triệu, 3 triệu lãi ngân hàng, 7 triệu/2 lái xe, 3 triệu phí hao mòn tài sản, 5 triệu phí cầu đường, lộ phí… Như vậy, tổng thu 1 chuyến 42 triệu được cho là cao so với mặt bằng chung trong tình hình hiện nay thì chi phí lên tới 39 triệu, DN đang tạm tính đạt 3 triệu/ xe và bình quân 3 chuyến/tháng, tương đương với 9 triệu/tháng, chưa trừ phí bảo trì đường bộ và bảo hiểm xe,…trong khi đó để đầu tư ra 1 chiếc xe tương đương 2 tỉ đồng là áp lực quá lớn đối với DN vận tải trong thời điểm này.

Chính sách thuế thiếu đồng bộ

Các DN vận tải của tỉnh Hưng Yên cho rằng: nhiều điều khoản trong lộ trình tính thuế cho DN vận tải chưa nhuần nhuyễn và thiếu đồng bộ; lệ phí, lộ phí cầu đường hiện nay không được tính vào chi phí hay cách tính tiêu hao nhiên liệu còn bất cập gây nhiều tranh cãi không xác định được đúng, sai.

Đơn cử như DN có tuyến chạy từ HN- SG và ngược lại chi phí định mức 100km là 15 lit dầu và theo khảo sát với quãng đường cả đi và về tương đương là 4.000km x 15 lít = 600 lít. Tuy nhiên từ năm 2013, chi cục thuế huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên chỉ tính cho DN với mức tiêu hao 45% – 50%và yêu cầu đổ ở cây dầu của nhà nước. Vậy quãng đường xe phải dừng lại hay sao? 55% xe sẽ chạy bằng gì, xin lỗi đổ nước cũng phải mua! Ở trong cùng một tỉnh nhưng có tới 2 cách tính mức tiêu hao nhiên liệu, nơi thì 45% nơi thì 70%? Như vậy là thiếu cơ sở vững chắc trong thực thi văn bản, một ngành nghề nhưng lại có 2 mức áp thuế. Việc này có lẽ Cục thuế tỉnh Hưng Yên cần phải xem lại cách tính sao cho phù hợp để hỗ trợ cho DN trong thời điểm khó khăn này.

Khó khăn từ… quản lý thị tường

Ông Trần Công Viễn, đại diện DN vận tải tại TP HCM cho biết: là DN vận tải nhưng chúng tôi phải chịu quá nhiều áp lực từ phía lực lượng quản lí thị trường (QLTT) dọc trên tuyến QL1 đặc biệt là các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa… thường xuyên bị lực lượng QLTT gây khó khăn, lập biên bản phạt, thu, giữ đăng kí xe, bằng lái xe làm ảnh hưởng rất lớn đến thời gian và chi phí cho DN. Chúng tôi là DN vận tải đi chở thuê chỉ có hợp đồng vận chuyển và hóa đơn, chứng từ bản sao của hai bên mua bán chứ không thể có được hóa đơn đỏ. Theo Thông tư số: 64/2015/TTLT-BTC- BCT- BCA-BQP, tại mục a, khoản 2, điều 3: tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình bản sao hóa đơn, chứng từ có đóng dấu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu để có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu là hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn bị gây khó khăn và đưa ra nhiều lí do: nào là hàng hóa không có tem hợp qui, tem phụ,…lập biên bản, thu giữ hàng hóa, có những lúc còn vòi vĩnh một cách khó hiểu.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Quý, Công ty Sông Cầu1 cho rằng: việc dán tem nhãn, mác,… là trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ hàng hóa chứ không phải trách nhiệm của DN vận tải. Lỗi để hàng hóa này ra khỏi địa bàn nơi sản xuất và lưu thông trên thị trường thuộc về các cơ quan ban ngành tại địa phương, trong đó có lực lượng QLTT đóng chốt trên địa bàn. Hàng hóa sản xuất tại địa phương tại sao không phát hiện và xử lí được mà phải đợi đến khi lưu thông trên đường? Mỗi ngày cả hàng triệu lượt xe lưu thông, khó khăn, vất vả, tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc của nhà nước để cuối cùng tìm ra được mấy thùng hàng thiếu tem, nhãn sao? Hay mục tiêu của QLTT đang nhằm vào các DN vận tải để làm khó? Có những lúc chúng tôi phải chấp nhận ký vào biên bản một cách oan uổng để giữ lấy khách hàng của mình nhưng thực sự trong lòng không phục, phí bốc xếp thấp nhất 2 triệu đồng/lần và chưa kể xử phạt hành chính lên tới vài triệu đồng, ông Quý bức xúc.

Thay lời kết

Thiết nghĩ trong điều kiện ngành vận tải đang hết sức khó khăn, phải gồng mình chống chọi với nhiều áp lực. Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của phương tiện dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt giữa các lực lượng vận tải, thiếu chặt chẽ, đồng bộ trong công tác quản lí của các cơ quan nhà nước đã tạo ra lỗ hổng để một số bộ phận lợi dụng, tiêu cực trong lĩnh vực vận tải hàng hóa vốn vẫn còn nhiều tồn tại và có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng như tính minh bạch trong quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa. Để đánh giá đúng thực trạng ngành vận tải trong công tác tổ chức quản lý hoạt động vận tải hiện nay, cần xác định được những mặt ưu và khuyết, trên cơ sở đó tìm ra những nguyên nhân, các giải pháp khắc phục và đề ra những kế hoạch cụ thể đặc biệt lưu ý đến vấn đề tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về việc xây dựng giá sàn để ngành vận tải Việt Nam minh bạch, hiểu quả và phát triển bền vững.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

[woocommerce_my_account]